Nguồn gốc câu ngạn ngữ “Sống làm trai Bát Tràng, chết làm Thành Hoàng Kiêu Kỵ”.

Vùng văn hoá xứ Đông, ngoài chuyện tứ vật còn có câu “Sống làm trai Bát Tràng Chết làm Thành Hoàng Kiêu Kỵ.”

Sống làm trai Bát Tràng - Chết làm Thành Hoàng Kiêu Kỵ

Vậy làm trai Bát Tràng chẳng sướng lắm sao!

Một hôm có người kể rằng, lên Hà Nội, thấy ông chồng bà nọ – người Bát Tràng, đi hát cô đầu ở phố Khâm Thiên, về liền mách vợ ông ta, cũng để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Tưởng bà ấy nổi cơn tam bành, nào ngờ bà quẹt cốt trầu bên mép, rồi cười tươi như hoa: “Úi giời, thật hả bà. Thế thì may quá, ông ấy ăn được, chơi được thì là cái lộc của nhà tôi đấy”.

Trong cuộc sống quá khứ và hiện tại, phụ nữ Bát Tràng được coi là giỏi kinh doanh và quán xuyến gia đình, các bà vợ Bát Tràng chiều chuộng chồng, đàn ông con trai ở đây rất sung sướng: vì thế các ông chồng chẳng phải lo gì, cứ vi vu thôi. Ngày nay trai Bát Tràng với nghề gốm sứ đều rất giỏi. Còn chuyện ăn chơi thì không rõ lắm, chắc cũng giỏi như con giai mọi nơi.

Một lần tôi về quê Bắc Ninh vào chơi một gia đình trong thôn, thấy con gái ông dỗi chồng bỏ về nhà, ông hỏi: “Mày bảo nó trai gái, thế nó có đánh mắng mày không”. Cô con gái lắc đầu. Ông hỏi tiếp “Thế nó có chăm sóc mày và con cái tử tế không”, cô gái gật đầu.

Tức thời ông hạ giọng “Thế mày còn muốn gì nữa. Đàn ông mải chơi bời thì phải biết tha, đi đâu thì đi nhưng biết chăm sóc vợ con là biết quay đầu về nhà rồi. Thôi về đi, còn sụt sịt gì nữa”. Như thế xem ra dân Bắc Ninh suy nghĩ cũng thoáng đấy chứ.

Chết làm Thành Hoàng Kiêu Kỵ:

Làng Kiêu Kỵ cũng thuộc huyện Gia Lâm, cách làng Bát Tràng chừng bốn đến năm cây số, và cũng là một làng giàu có, dân chúng ngoài công việc nông tang còn hai nghề chính giúp cho cuộc sống dồi dào, nghề làm vàng quỳ và nghề mổ trâu bò. Nghề làm vàng quỳ của xã này nổi tiếng xa gần, cũng như làng Bát Tràng làm gạch và đồ gốm. Tục ngữ có câu:

Bát Tràng làm bát, Kiêu Kỵ giát vàng.

Làng Kiêu Kỵ tôi chỉ biết có nghề dát vàng qùy nổi tiếng làm nguyên liệu dùng cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, bây giờ nghề đó vẫn giữ được và phát triển.

Còn ước mong Chết thành hoàng Kiêu Kỵ, sau này được biết, nguyên do là dân làng làm ăn khá, tin ở sự phù hộ của thần linh, nhất là của vị thành hoàng, do đó luôn có lễ bái cúng kiến. Làng Kiêu Kỵ có nghề mổ trâu bò, trước khi đem thịt đi bán ở chợ, họ dùng sỏ trâu, sỏ bò cùng vàng hương trầu rượu làm lễ cúng đức thành hoàng.

Ngoài ra, làng giàu có nên đình chùa làng rất khang trang. Thêm nữa, với nghề giát vàng quỳ để bán cho thiên hạ sơn son thiếp vàng, những đồ thờ trong đình chùa làng này đều sơn son thiếp vàng hết. Ngoài ra, làng giàu có nên đình chùa làng rất khang trang, vào ngày giỗ đình, tế thành hoàng chỉ toàn các bà các cô, nên ngài ngồi trên bệ cao chỉ ngắm các vãi tế lễ là đủ sướng rồi.

Chuyện này cho thấy, tục ngữ thành ngữ nào cũng có nguyên do từ cuộc sống, câu nào cũng phảng phất hồn dân tộc, thể hiện lối sống, cách nghĩ và hành xử thấu đáo. Tìm hiểu kĩ mới thấy trong tín ngưỡng dân gian rất nhiều yếu tố phồn thực và khá gần đời thực.

(nguốn sưu tầm)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.